Tôi còn nhớ cái mưa lạnh của chiều cuối tháng bảy cuốn vào người từng giọt lạnh như băng, thổi cho đôi môi tái đi không giọt máu, ngồi trong cái quán ủ dột cuối con hẻm tối om, chị chủ quán ngủ quên luôn trên cái quầy bar vì chả ai ngoài tôi và Thịnh co ro ở quán. Thịnh cầm điện thoại chơi đi chơi lại cái game nào đó bắn ì xèo thiên địa, còn tôi mơ màng nhìn ra ngoài cửa sổ với từng hạt mưa thi nhau ngắn dài chảy xuống khung kính. Thịnh lấy tay búng lên trán tôi nghe tiếng tóc đau điếng:
- Ăn đi. Kêu đã không ăn tý cũng phải tính tiền.
- Làm gì nay hào phóng dữ vậy?
- Mới lĩnh lương.
- Đi làm gì có lương? Đi lau cột đèn cao thế rồi nhà nước trả lương cho hả?
- Bớt xàm. Ăn đi cô.
Thịnh là một thằng bạn đúng nghĩa là thằng bạn thân. Tôi chẳng còn nhớ nó và tôi quen nhau bao lâu, chỉ biết khi còn nhỏ xíu là đã chơi cùng nó. Trên trán nó có một cái thẹo cực ngắn giữa hai chân mày. Tôi còn nhớ khi nhà tôi bắt đầu xây, năm ấy cả hai mới chỉ có sáu, bảy tuổi. Nó ăn trộm xoài nhà tôi, thế là tôi bảo không chịu xuống đành vác viên gạch thẻ phang lên. Trời thương làm sao chính xác giữa trán và rớt ngay xuống bãi cát xây kế bên gốc xoài. Nó đã quên tại sao có cái thẹo. Nhiều khi hỏi tôi: " Sao tự nhiên hồi nhỏ có té đâu dữ không mà có cái thẹo chà bá mất vẻ đẹp trai quyến rũ của tui." Tôi im không hồi đáp, vì nói cho nó nghe " tui chọi đó." Thể nào cũng có chiến tranh xảy ra. Chiến tranh của tôi và nó đơn giản lắm. Canh me hai ba giờ sáng cầm cục đá hay gạch gì đó đứng ở lang can bên này chọi qua mái tôn nhà đối phương, xong, vô kéo rèm đi ngủ. Thể nào sáng mai cũng có đưa qua năn nỉ tha thứ.
Thịnh không còn mẹ. Mẹ nó đã mất khi sinh nó ra. Từ nhỏ nó sống trong sự côi cút hai người đàn ông là ba nó và nó. Thịnh rất thương bà vú của mình. Bà cũng đã luống tuổi, khi nhà nó còn khổ đã chịu ở lại chăm sóc nó chỉ đổi lại hai bữa ăn. Bà thương ba nó trẻ người, thương nó khát sữa. Đến giờ vú nó cũng ngoài năm mươi, còn rất đẹp và hiền lành. Cứ giục ba nó đi tiếp thì ông lại nói: " Thôi thằng Thịnh nó ngang ngạnh, lỡ cưới về chắc nó bỏ nhà hay đánh người ta chết." Ba nó cũng độc thân suốt hai mươi năm qua, chưa bao giờ ông quên sinh nhật hay giỗ của má nó. Có khi ông lại lôi cái nhẫn má nó hồi xưa ra lau kĩ càng ngắm nghía rồi cất vô tủ. Chắc ông cũng chạnh lòng.
Chuỗi ngày bên cạnh Thịnh là những câu chuyện cực ngắn. Có lần Thịnh năn nỉ tôi làm người yêu giả bộ của nó.
- Ê chịu đi. Năn nỉ đó. Làm ơn đi. Chiều dẫn đi ăn căng bụng heo.
- Dẹp đi. Heo gà gì. Tự mà đi đi.
- Ăn gì cũng được suốt một tuần?
- Mà làm gì đi coi phim chung với nhóm thôi mắc gì bạn gái bạn trai gì ở đây?
- Con nhỏ đó nó thích tui. Tui lỡ nói có bạn gái rồi để nó tha tui.
- Ủa mắc cười, nó thích kệ nó, lôi tui vô chi. Vô duyên.
- Quỳ xuống lạy luôn nha?
Và nó quỳ xuống thực hiện nghi thức lễ nghi đúng cúng vái người chết. Tôi sợ đến phát khiếp đành đồng ý đi với nó bữa coi phim ấy. Hôm ấy xuất hiện đầy đủ nhóm bạn trên lớp của nó, nó ăn nói khác hẳn là thường ngày với tôi, nghiêm chỉnh và có vẻ quyến rũ, chẳng bù những hôm chủ nhật qua nhà ăn ké đồ ăn tôi làm chỉ mặc mỗi cái áo ba lỗ nhăn nhúm, cái quần cộc, đầu thì chẳng thèm chải có khi còn không thèm đánh răng. Cô gái thích nó đã xuất hiện. Mái tóc dài và mượt mà màu vàng sang trọng, làn da trắng ẩn dưới chiếc váy xẻ màu trắng kem, cứ như một ngôi sao Hàn Quốc nào vậy.
- Ơ, Linh Linh.
- Ủa bà, lộn, em quen Linh hả?
- Ừ ông tướng, à, anh yêu, nó học chung lớp ngoại ngữ với em đó.
Việc phải ngồi ghế đôi chung với Thịnh là nỗi cực hình. Hai chúng tôi phải vờ nắm tay, vờ nhìn vào mắt nhau, vờ cười vui đùa như tình nhân. Nắm tay Thịnh cứ như nắm cục sắt, gạch gì đó, chán dễ sợ chán. Tôi không hiểu sao Linh Linh là cô gái toàn năng, đẹp và quyến rũ, thông minh và khéo léo, nó bị làm sao mà để cô gái ấy ngồi một mình chiếc ghế đơn phía trước, trông trống vắng đến cùng cực.
Câu chuyện ngắn tiếp theo là ở công viên trò chơi, tôi bắt gặp Nam đẹp trai đến ngây người, từng học chung lớp với tôi khi trước. Sau khi tốt nghiệp, Nam đi Thái làm ông chủ buôn hàng về Việt Nam, chúng tôi không còn liên lạc từ đó. Tôi mải mê dẫn hai đứa cháu đi mua kẹo bông gòn, Nạm đặt nhẹ tay lên vai, cái mùi hương từ cổ tay tỏa vào mũi ngọt ngào mà nam tính ấy khiến tôi chết mê. Nam cười xã giao:
- Xin lỗi, có phải bạn tên là Kim? Nguyệt Kim?
- Ừ, ai vậy?
- Nam, Nam mắt kính ngồi cuối lớp, hai đứa hay ăn vụng nè nhớ không?
- A, Nam mắt kính mà mụn đầy mặt hả?
- Ừ. Nhớ Nam rồi hả?
- Nay sao bảnh trai quá vậy?
Chúng tôi ngồi nói chuyện hàn huyên từ thuở còn đi học đến nay, trải qua những gì, thành công thất bại ra sao, đến mức hai đứa cháu nằm dài ra sàn ngủ quên, tôi mới giục chúng dậy đi về. Nam bảo gặp lại tôi rất vui, cậu ấy muốn gặp tôi một lần nữa. Tôi quên để lại địa chỉ nhà mà cuống quýt ôm hai đứa cháu về mất.
- Nam rồi ký hiệu trái tim đồ. Ủa mới gặp lại thằng Nam có chút xíu mà lưu trái tim luôn ha. Chắc gặp lâu dễ lưu thành chồng hay anh xã quá.
- Kệ tui. Ông quan tâm chi? Quan tâm Linh của ông kìa.
- Linh sao ?
- Nó tốt mà. Quan tâm nó tý đi. Linh cái gì cũng có. Xinh đẹp thông minh đủ kiểu. Ông bị hoại tử não hả ?
- Tui có người thương rồi.
- Con nào ? Con nào sao tui hổng biết, hổng nghe nói ?
- Nói bà chi. Nói bà thừa như nói cho cả cái Sài Gòn này biết vậy đó.
Chuyện ngắn kế tiếp trong chuỗi chuyện ngắn của tôi chính là Nam bất ngờ biết địa chỉ nhà và sang mời đi ăn. Nam lịch sự xin phép ba má tôi rằng đưa đi đưa về nguyên vẹn đúng giờ, cậu ấy đùa vui mà trông rất lịch thiệp. Nam đưa tôi dạo một vòng hồ mát rượi, ăn bánh tráng trộn uống nước mía đúng kiểu tuổi teen, không có tiệc tùng gì sang trọng cả. Nam bảo công việc Nam rất ổn, thu nhập rất tốt, âu cũng mừng cho cậu ấy vậy. Nam bảo suốt mấy năm bên Thái, của ngon vật lạ gì cũng được ăn, thèm nhất mấy món vặt ven đường, ngồi quán cóc và có người nói chuyện hợp gu.
- Bên Thái, Nam không có bạn bè thân, hay bạn gái gì sao ?
- Không, toàn bạn làm ăn, bạn gái thì chưa có.
- Cũng đẹp trai thành đạt mà. Sao lại không có được ? Chỗ bạn bè giấu giếm chi ?
- Không có thật mà.Chỉ là ở Sài Gòn đây đã có người thương rồi.
Lại nữa. Nam và Thịnh đều đã có người thương. Cả hai đều im lặng bí mật với tôi. Tôi đâu thuộc dạng bán đứng thông tin bạn bè đâu mà che giấu tôi như vậy. Đột nhiên cảm thấy tức khi cả thằng bạn nối khố của mình lại còn chả thèm tin mình. Tôi ngồi yên cầm điện thoại bấm vu vơ lướt lướt, vì đã cụt hứng, thay vì không nói gì còn hơn nói ra mất lòng cả hai.
Nam kéo tôi đi một vòng Sài Gòn, những góc đường bán đồ ăn ngon, những nơi có bóng dáng tôi và cậu ấy mặc áo trắng trốn học co ro một góc ăn vặt, Nam nhớ kĩ từng nơi, nhớ từng món, thậm chí tên người bán hàng còn thuộc nằm lòng. Đã muộn, Nam vội vã đưa tôi về nhà, trước giờ "giới nghiêm". Cậu ấy đứng suốt ở cổng chờ tôi vào hẳn trong nhà mới quay đầu xe đi về.
- Hôm qua đi chơi với Nam đồ ha. Tui thấy hai người hẹn hò được rồi đó.
- Rình mò nhà tui ha gì ?
- Đâu có rảnh. Tui đây cũng đi chơi với Linh về thấy thằng Nam chạy ra là hiểu rồi. Hai nhà cuối hẻm mà.
- Mà thôi ông lo Linh của ông đi. Chịu con nhỏ rồi đó hả ?
- Tìm hiểu. Tìm hiểu.
- Tốt, sớm có bồ đi. Đừng để tui có trước à.
- Con nhỏ này mới đi chơi với người ta được một ngày, gặp được một lần, cho là hai lần tổng cộng, vậy đòi làm bồ người ta rồi.
- Nam cái gì cũng có. Nam cái gì cũng tốt, cũng được, tui thích là phải thôi.
- Ờ...
Chuyện ngắn là từng mảnh ghép trong cuộc sống của tôi. Từng câu chuyện tôi luôn cất kỹ, những kỷ niệm, những người xung quanh. Nó làm cho cuộc sống tôi tràn ngập màu sắc, đa dạng hơn, và đáng sống hơn. Dù chuyện buồn hay là vui, cũng là bài học và niềm an ủi cho tôi khi nhìn lại...
Nam và tôi bắt đầu hẹn hò. Cậu ấy thật sự biết cách làm người khác cảm động. Cái vẻ bóng bẩy và điển trai đến từng milimet, Nam khiến tôi thấy mình thật luộm thuộm với chiếc quần jeans đơn giản cùng áo sơ mi như thường nhật. Dường như cậu ấy chẳng bận tâm mấy đến tôi mặc gì, đột nhiên chúng tôi biến thành đôi đũa lệch trái hẳn. Thịnh lại phải vất vả đèo tôi đi "giải lúa", những chiếc váy hàng hiệu mà tôi phải để dành cả tháng mới đụng đến được, chạm vào là xót đến tận tủy, nhưng vì Nam, tôi không để cậu ấy cảm thấy mình thật gượng gạo bên tôi được. Thịnh nói đã là người yêu thì mặc cái gì có quan trọng lắm sao, đầm ngủ hay váy thường cũng chỉ là cái vẻ bên ngoài thôi. Tôi chẳng thèm bận tâm:
- Tui không thể mặc cái đầm ngủ để đi party sang trọng với Nam được.
- Ủa vậy sinh nhật lần trước của tui bà mặc đầm ngủ hình con Gấu poor vàng khè đầu còn quấn lọn tóc qua thì sao?
- Vậy sinh nhật năm nào của tui cũng tặng chai nước rửa chén thì sao? Bộ vui lắm ha?
Tôi chọn chiếc váy hở lưng màu đỏ đậm, Thịnh chê nó quá xẻ, còn tôi thấy vậy là chuẩn rồi, chúng tôi ra về, dạo quanh Sài Gòn ẩm ướt một lúc lâu.
- Ê cũng được gần chục năm rồi, tui lúc nào cũng chở bà lòng vòng vậy nè.
- Sắp được giải thoát rồi. Sau này Nam sẽ đảm nhận công việc ấy.
- Cứ vậy không phải hơn sao?
- Nói gì? Gì á?
- Không gì. Lảm nhảm chơi. Coi năm nay tặng gì cho bà. Gần sinh nhật bà rồi.
Đột nhiên Thịnh lắm lời im bặt, cứ ngượng gạo đạp xe hết con đường này đến con đường khác. Không khí xung quanh chúng tôi đã lạnh buốt nay càng thêm khó chịu, Thịnh rẽ ở cuối đường, chúng tôi quay về nhà mà không còn hứng thú đi dạo gì nữa. Tôi cũng không hiểu tại sao mình không nói được gì, dù hai mươi mấy năm qua chúng tôi thân đến nỗi như là một phần của nhau, hôm nay đột nhiên thấy Thịnh rất xa, xa vời vợi như người dưng...
Má tôi đột nhiên hôm nay nấu bữa ăn thịnh soạn mà chẳng có dịp gì trong nhà. Tôi xách cái nón lá ra khỏi nhà, vẫn còn quấn lô tóc trên đầu qua nhà Thịnh. Ba Thịnh nói là nó đã ra khỏi nhà từ sớm, nói là đi chuẩn bị món đồ quan trọng gì đó. Tôi nhẩm chắc là đi tặng quà hẹn hò lần đầu cho Linh, đột nhiên thấy trong lòng có chút tức tối, quay về nhà chén sạch mọi thứ mặc dù má đã dặn: " Chừa thằng Thịnh với."
- Năm nào nó cũng tặng con chai nước rửa chén, nay có bồ rồi, từ sáng bảnh mắt ra đã đi mua quà cho gái.
- Thì con cũng để nó có bồ với con chứ.
- Con không cho phép nó.
- Con có Nam rồi, phải để nó có bồ chứ.
Tối nay tôi cùng Nam đi một bữa tiệc người làm ăn chung, đột nhiên tôi không có hứng thú gì để đi. Tôi thấy mình thật gượng ép làm một người sang trọng, thông minh và hiểu biết chỉ vì để hợp với Nam. Tại sao cậu ấy không thay đổi để hợp với tôi, tại sao cũng là tôi phải biến mình vào cái vỏ óng ả kia để phù hợp với Nam chứ. Tôi không thể mang giày convese, quần jeans và áo sơ mi phủ ngoài đến một bữa tiệc lớn, còn Nam không thể cởi bỏ vẻ hào nhoáng đến từng chiếc cúc áo kia để ngồi cùng đám bạn trên trời dưới đất của tôi như khi trước.
- Em định mặc như vậy đến tiệc thật sao?
- Ừ. Em thấy mình không phù hợp với những cái đầm dạ hội, không phù hợp với thứ xa hoa đó. Em thấy là mình thoải mái nhất.
- Sắp tới giờ đi tiệc rồi, anh chở em đi mua cái váy.
- Không phải là em chưa mua, mà em không phù hợp với nó.
- Tại sao em lúc nào cũng phải làm anh điêu đứng mới hài lòng? Anh đã nói với bạn sẽ đi dự tiệc cùng bạn. Giờ xuất hiện một mình sao được?
- Tại sao lúc nào cũng phải là em? Em thay đổi, em bỏ tất cả, anh yêu em cơ mà, anh không hi sinh gì cho em. Anh không nghĩ anh không công bằng với em sao?
- Giờ không phải là lúc cãi nhau đâu.
Nam nắm lấy bàn tay tôi kéo đi, tôi hất mạnh bàn tay ấy tuột khỏi tay tôi. Một giọt nước mắt đột ngột rơi xuống, tôi nhìn Nam như kiểu " để em một mình đi" rồi quay lưng bỏ vào nhà. Đó là lần cãi nhau đầu tiên của tôi và Nam, cũng là lần tôi khóc vì tình yêu. Có những lần Thịnh làm tôi ấm ức cũng khóc tức tưởi như này, nhưng cậu ta luôn xin lỗi và đưa ngón tay trỏ đặt lên mí mắt tôi, cho giọt nước mắt chảy vào bàn tay, cậu ta bảo, nước mắt của tôi là thứ xa xỉ, cậu ta muốn giữ nó lại.
- Mặt mũi bị sao vậy? Gì mà bầm tím nè?
- Té xe.
- Hồi nào?
- Hôm qua mưa quá không thấy đường, lủi vô lề.
- Cũng giỏi. Chạy mắt mũi để đâu không biết.
- Sau này không có tui ở đó, không được khóc với ai, biết chưa?
- Khóc đâu?
- Nói vậy đó.
Nó xòe trong túi quần một bọc kẹo quả sấu ngào đường, từ hồi nhỏ, khi tôi khóc, bất cứ chuyện gì, nó đều cho tôi sấu ngào đường để ăn. Thịnh nói, khóc xong khó chịu lắm, ăn một quả sấu để cái nghẹn ở cổ kia được xoa dịu bởi vị ngọt lịm này, để cho đường sẽ hòa tan vào máu thành hóc môn giúp não bộ hạnh phúc. Như chocolate vậy, Thịnh nói chocolate như liều thuốc tinh thần, nhưng nó bảo ăn quả sấu thì sẽ ngon hơn, vì chính tay nó làm sẽ tốt hơn. Tôi cầm bọc sấu mà đột nhiên ôm lấy nó khóc tức tưởi. Nó luôn ở đó, vui buồn, hạnh phúc hay khổ đau đều có nó và cái vị ngọt lịm sấu ngào đường nó làm.
- Đừng hi sinh quá nhiều cho người không trân trọng.
- Tui biết, ôm ông như vậy có phải rất có lỗi với bạn gái ông không?
- Chẳng có gì đâu...Chỉ đơn giản là ôm thôi.
Ngoài kia Sài Gòn bắt đầu lên đèn, chúng tôi ngồi yên trên sân thượng ngắm xuống thành phố vàng rực ánh đèn khắp góc phố. Như những ngày trước, khi trượt đại học, khi vấp vã không đời, cả hai ngồi như này, để cho bầu trời ồn ào và huyên náo ở đây làm vui, để cho cái tầng bụi trong thành phố này che mờ nỗi đau. Vì Sài Gòn là nơi chúng tôi sinh ra, lớn lên và cùng nhau trưởng thành, như một phần trong cả hai vậy.
- Em có thể nói thằng Thịnh đừng có mà xen vào cuộc sống anh được không?
- Sao anh nói vậy?
- Hôm trước nó đã đánh anh bầm xanh mặt, mỗi ngày lẽo đẽo theo anh làm phiền, hôm nay còn đến tận chỗ anh hẹn đối tác mà phiền anh. Nó lập dị, giống em vậy!
- Anh nói năng gì lạ vậy!
Đã là một phần của nhau, thì tách rời sẽ đau đớn, sẽ khó khăn, chúng tôi là một phần của nhau, một phần của Sài Gòn này, đau khổ hay hạnh phúc, phải cùng nhau đi qua, Thịnh từng nói chỉ có Thịnh mới biết làm sấu ngào đường tôi thích, chỉ có Thịnh mới có đủ kiên nhẫn chở tôi đi, nhẫn nại chịu đựng từng cảm xúc nắng mưa thay đổi như chong chóng của tôi. Vì chỉ có những người thật sự là của nhau, mới biết được dòng đời quá ngắn để bên cạnh nhau, trân trọng nhau, mới biết được, để hạnh phúc của nhau, phải hi sinh, hi sinh rất nhiều...
Thịnh đã xin Nam đừng yêu tôi nữa. Vì Thịnh nói chỉ có Thịnh mới biết khi nào tôi buồn, khi nào tôi vui, tôi thích hay không thích điều gì. Thịnh đã nói với Nam rằng cậu ấy...
"Chỉ tôi mới có thể mang hạnh phúc cho Kim. Xin anh đừng yêu cô ấy nữa, đừng chạm vào cô ấy nữa, tôi đau lắm. Xin anh đừng đến tìm cô ấy nữa..."
Tôi lao ngay ra khỏi quán mặc dù trời ngoài kia mưa rất to, tôi chạy đi như quán tính chỉ vì tôi đã hiểu, vì sao bấy lâu nay, bên Nam tại sao cứ có gì đó khó chịu ở tim. Bởi vì tôi còn có Thịnh, một người luôn ở đó và cho tôi rất nhiều thứ. Là người chẳng bao giờ hứa gì, mà luôn thực hiện những thứ tôi mong muốn, là người đã vờ bệnh để bỏ thi môn cuối vì tôi trượt đại học trước đó, là người suốt hai mươi mấy năm bên cạnh đi qua bao giông tố. Là vì cảm xúc đó là tình yêu, chứ không phải tình bạn, là vì cảm xúc đó, nó nghẹn lại ở tim lâu rồi, đến lúc phải vỡ òa...
- Đừng chạy nữa, tui không có dí theo kịp đâu...Đã nói đừng khóc khi không có tui ở đó mà...
- Tại sao? Mỗi năm đều là chai nước rửa chén? Tại sao? Tui đã nghĩ ông không có cảm tình với mình chứ!
- Còn nhớ hồi nhỏ, cả hai đứa ăn trộm nước rửa chén nhà bà để thổi bong bóng không, làm đổ cả chai luôn, vậy là má bà đánh đòn bà, lúc đó, đột nhiên, tui thấy...đau ở trong lòng, khó chịu lắm! Muốn người bị đánh là tui...Đó là lúc tui biết...
Biết em là một phần của cơ thể anh. Em vui anh vui, em buồn anh chẳng thể cười được. Lớn lên, anh mới hiểu anh thương em, nhưng chẳng biết lúc nào nên nói với em, vì anh sợ mất đi em mất luôn tình bạn thân. Sài Gòn cho chúng ta lớn, cho chúng ta kỉ niệm ở từng góc đường, đã cho anh gặp em, cho mười mấy năm qua có em sau xe đạp đi khắp nơi...Cảm ơn em, cảm ơn Sài Gòn này..."
- Năm nay, năm sau, nhiều năm sau nữa, nhất định phải bên tui, nhất định phải làm sấu ngào đường khi tui khóc, nhất định phải đưa tay giữ nước mắt tui lại, nhất định mỗi năm sinh nhật phải tặng nước rửa chén. Nhớ đó...
Cuộc sống mỗi con người ngắn lắm, khi chết đi lại chẳng nhớ gì nữa, khi còn sống phải giữ những khoảnh khắc thật đẹp, phải sống cho trọn từng giây từng khắc, phải giữ lấy những cơ hội của bản thân mình. Để chẳng còn gì hối tiếc khi đặt chân bước cầu chuyển kiếp,ăn bát canh Mạnh Bà xóa sạch kí ức, chẳng còn gì luyến tiếc mà mỉm cười đi qua...Tôi đã có những câu chuyện ngắn thật tuyệt vời cho cuộc đời khá dài của mình, mạng sống mỗi người ngắn lắm, hãy cùng người mình yêu thương bước tiếp những chặng đường ở tương lai...